Để thị trường năng lượng tái tạo được phát triển bền vững, thì ngoài các cơ chế, chính sách phù hợp thì Việt Nam cần sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo hoặc Luật Chuyển dịch năng lượng.
>>Khơi thông thị trường năng lượng tái tạo
Luật sẽ điều chỉnh thị trường
Trao đổi với DĐDN một số chuyên gia nghiên cứu về năng lượng tái tạo và thị trường điện cho biết, thời gian vừa qua, nhờ có cơ chế khuyến khích phát triển năng lượng tái tạo hấp dẫn, điện gió và điện mặt trời đã có sự phát triển mạnh mẽ trong thời gian ngắn. Để năng lượng tái tạo (NLTT) được phát triển bền vững, ngoài các cơ chế, chính sách phù hợp, Việt Nam cần sớm ban hành Luật Năng lượng tái tạo hoặc Luật Chuyển đổi năng lượng.
Thông qua các điều khoản được quy định chặt chẽ trong Bộ luật, thị trường năng lượng tái tạo sẽ có hành lang pháp lý bài bản để phát triển. Việt Nam cần tiếp tục hiệu chỉnh Luật Đấu thầu và một số luật liên quan để có cơ sở, điều kiện các bước tiếp theo phục vụ cho quy trình tổ chức đấu thầu nhằm xây dựng các nhà máy điện mới, kể cả nhà máy NLTT lẫn các các máy điện truyền thống khác.
Bên cạnh đó, cần tiếp tục hiệu chỉnh Luật Điện lực, Luật Giá và các luật liên quan nhằm xây dựng thị trường điện bản lẻ điện sớm. Bởi lẽ, Việt Nam đã vận hành thị trường phát điện cạnh tranh từ năm 2012, và đến năm 2019 đã chuyển sang thị trường điện bán buôn cạnh tranh và hiện đang trong quá trình hoàn thiện mô hình này. Việt Nam sẽ đặt mục tiêu tiến tới thị trường điện bán lẻ cạnh tranh để huy động tối đa các nguồn phát điện ở các cấp độ bán buôn và bán lẻ, giúp người sử dụng điện được quyền lựa chọn nhà cung ứng điện và hưởng giá điện có chi phí thấp nhất theo đúng qui luật thị trường điều tiết.
Theo đó các chuyên gia phân tích, phát triển thị trường điện bán lẻ, cũng như tạo cơ chế “truy cập mở” để phát tiến năng lượng tái tạo theo hướng tự nguyện của người sử dụng điện. Thực hiện được điều này, Việt Nam cần có văn bản pháp luật để tạo truy cập mở này, tức Nhà nước sẽ ràng buộc các điều kiện kỹ thuật để quy định các nguồn điện được nối lưới, song song với đó, các công ty truyền tải và công ty phân phối sẽ kiểm soát qui định này. Tuy nhiên về mặt mua bán điện, khách hàng và người sử dụng điện sẽ tự thỏa thuận với nhau để mua bán điện và chi trả các khoản phí cho các đơn vị quản lý lưới điện gồm; chi phí đấu nối, phí truyền tải ,phí phân phối và các loại thuế theo qui định của Nhà nước.
Cũng theo chuyên gia, chúng ta không nên đặt mục tiêu phát triển năng lượng tái tạo và chuyển dịch năng lượng theo số phần trăm chung cố định cho toàn quốc mà nên đặt mục tiêu tỷ lệ khác nhau theo vùng miền. Bởi tiềm năng năng lượng tái tạo có đặt thù thuận lợi riêng theo vùng miền, và khi phát triển ở vùng có điều kiện thuận lợi, thì chắc chắn giá thành sẽ phải rẻ hơn vùng ít có tiềm năng.
Cần thị trường cạnh tranh, minh bạch
>>Cần đổi mới sáng tạo thị trường điện và dịch vụ phụ trợ
>>Năm 2023 phát triển năng lượng tái cần tháo gỡ 3 vấn đề lớn
Ngoài các văn bản pháp luật, kiến nghị những vấn đề giúp thị trường năng lượng tái tạo được phát triển cạnh tranh và minh bạch, ông Nguyễn Như Thức – Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư Hacom holdings đề xuất: Thứ nhất, cần phải có cơ chế cho phép khảo sát, nghiên cứu các dự án NLTT với các tiêu chỉ rõ ràng, điển hình là hạn chế công suất tối đa cho phép. Sở dĩ chi phí đầu tư dự án NLTT là rất lớn nên các nhà đầu tư nước ngoài có lợi thế về mặt kinh nghiệm đầu tư, vận hành đặc biệt là nguồn vốn đầu tư. Nhiều nhà đầu tư nước ngoài thành lập các công ty mới hoặc liên danh với các nhà đầu tư tại Việt Nam đã đăng ký đầu tư các dự án có công suất rất lớn lên đến hàng nghìn MW tại một khu vực khiến việc đăng ký mới các dự án tại khu vực đó rất khó cạnh tranh đối với các nhà đầu tư trong nước.
Ví dụ như điện gió ngoài khơi, có nhà đầu tư nước ngoài đăng ký dự án lên tới gần 3500MW, được cấp phép khảo sát cả một khu vực biển rất rộng lớn trong vài năm trời. Điều này khiến các nhà đầu tư khác đến sau nhưng có năng lực, sẵn nguồn lực không thể nghiên cứu, khảo sát tại khu vực đó được.
Ông Thức đề xuất cần phải hạn chế công suất tối đa một dự án được khảo sát, chẳng hạn như tại Đài Loan, một dự án điện gió ngoài khơi có công suất tối đa 600MW, điều này có thể vừa mở ra cơ hội cho các nhà đầu tư khác nhau, vừa đảm bảo dự án khả thi về phương án tài chính.
Thứ hai, cần phải xác định cơ chế đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và đấu giá bán điện một cách rõ ràng, minh bạch. Trong đó, các nhà đầu tư trong nước phải được xem xét để tham gia một cách công bằng, tránh để các nhà đầu tư, nhà thầu nước ngoài lợi dụng cơ chế đấu thầu nhằm chi phối an ninh năng lượng Quốc gia. Thực hiện điều này cần thiết phải có quy định về khống chế tỉ lệ được tham gia đầu tư các dự án năng lượng tái tạo.
Kiến nghị về các giải pháp khác, các chuyên gia cho rằng cần có cơ quan độc lập công bố minh bạch các dữ liệu điện hàng năm. Đơn cử như vấn đề nhu cầu dùng điện và cân đối cung cầu điện, báo cáo tình trạng thừa hoặc thiếu điện là rất quan trọng. Bởi vì, nếu công tác dự báo và công bố không chính xác để công suất nguồn điện phát triển thiếu so với nhu cầu sẽ gây ảnh hưởng lớn đến tình hình phát triển kinh tế – xã hội. Tuy nhiên ngược lại nếu cân đối cung cầu không đúng để tình trạng dư điện, tức công suất nhà máy điện mới vào quá nhiều so với nhu cầu cũng thiệt hại rất lớn. Vì điều này dẫn đến các nhà máy điện có sẵn và các nhà máy điện mới vào sẽ bị dư thừa công suất, dẫn đến bị cắt giảm công suất gây thiệt hại lớn cho nhà đầu tư. “Cho nên ở các nước phát triển, cơ quan vận hành thị trường và điều độ hệ thống điện thường là cơ quan độc lập với các bên và là cơ quan có trách nhiệm công bố những dữ liệu này”- các chuyên gia nhấn mạnh.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]