Dù đánh giá cao, thế nhưng, bên cạnh những kỳ vọng, không ít ý kiến vẫn tỏ ra băn khoăn với quy định lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm tại Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022…
>> “Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Kỳ vọng từ Dự thảo Nghị định 65 sửa đổi
Theo đó, Chính phủ vừa yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các cơ quan khẩn trương hoàn thiện, trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định số 65/2022/NĐ-CP về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế (Nghị định 65/2022).
Đặc biệt, trong bối cảnh hàng loạt khó khăn xuất hiện trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp, như: khối lượng phát hành mới sụt giảm; khối lượng mua lại tăng và có hiện tượng nhà đầu tư bán lại trái phiếu; khối lượng trái phiếu đến hạn trong thời gian tới lớn, doanh nghiệp khó khăn về dòng tiền để cân đối nguồn lực thanh toán các nghĩa vụ nợ đến hạn và huy động vốn cho hoạt động sản xuất, kinh doanh,… Thì Dự thảo Nghị định sửa đổi Nghị định 65/2022 với nhiều quy định mới được đề xuất, đem đến kỳ vọng sẽ giúp doanh nghiệp phát hành trái phiếu bước qua giai đoạn khó khăn hiện nay.
Cụ thể, tại nội dung Dự thảo, cơ quan soạn thảo đề xuất giãn thời gian thực hiện thêm 01 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp. Theo đó, nếu được thông qua, quy định nhà đầu tư chứng khoán chuyên nghiệp bảo đảm danh mục nắm giữ có giá trị trung bình 2 tỷ đồng tối thiểu trong 180 ngày, không bao gồm tiền đi vay sẽ có hiệu lực từ đầu năm 2024, thay vì từ đầu năm 2023 như Nghị định 65/2022.
Theo Bộ Tài chính, quy định này sẽ giúp thị trường có thêm thời gian để điều chỉnh và doanh nghiệp có thể duy trì nhu cầu đầu tư trái phiếu từ nhà đầu tư cá nhân có tiềm lực tài chính, đặc biệt trong bối cảnh thanh khoản khó khăn.
>> “Gỡ khó” trái phiếu doanh nghiệp – Cần có chương trình “hoãn nợ” quốc gia
Đáng chú ý, là quy định lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn. Cụ thể, theo Nghị định 65/2022, từ đầu năm 2023, hồ sơ chào bán của doanh nghiệp phát hành trái phiếu phải có kết quả xếp hạng tín nhiệm, trong khi, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) đề xuất, lùi tới đầu năm 2024.
Quy định này cũng được cho là cấp thiết, bởi, hiện nay có khá nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong huy động vốn, trong khi thực hiện xếp hạng phải mất một khoảng thời gian nhất định và tăng thêm chi phí phát hành…
Ngoài những nội dung đã nêu, Dự thảo Nghị định (sửa đổi) cũng đề xuất, cho phép doanh nghiệp được kéo dài kỳ hạn trái phiếu đã phát hành thêm tối đa 2 năm. Với đề xuất này, doanh nghiệp đã phát hành trái phiếu trước đây còn dư nợ sẽ được gia hạn thời hạn trả nợ sang 2025 – 2026, cũng như có khả năng huy động vốn để phục vụ sản xuất kinh doanh và cơ cấu lại nợ.
Trước những nội dung đề xuất đã được đưa ra, không ít chuyên gia cho rằng, việc cho phép doanh nghiệp được gia hạn thời hạn trả nợ tối đa 2 năm trên cơ sở đồng thuận của nhà đầu tư là đề xuất phù hợp nhằm giúp doanh nghiệp tháo gỡ khó khăn. Tuy nhiên, việc thỏa thuận với nhà đầu tư là không dễ dàng, cần có thêm những quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, đối với đề xuất giãn thời gian thực hiện 01 năm đối với quy định về xác định tư cách nhà đầu tư chuyên nghiệp, các chuyên gia cũng nhìn nhận, đây là biện pháp cần thiết để “cứu” thị trường, nhất là trong bối cảnh thị trường trái phiếu doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn.
Thế nhưng, về đề xuất lùi thời hạn bắt buộc xếp hạng tín nhiệm khi doanh nghiệp phát hành trái phiếu khối lượng lớn, vẫn còn đó không ít băn khoăn.
Trong đó, theo Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), xếp hạng tín nhiệm là cơ sở rất quan trọng để làm lành mạnh hóa thị trường, tăng cường lòng tin của nhà đầu tư, đưa thị trường trái phiếu Việt Nam tiệm cận với chuẩn mực quốc tế. Đồng thời, đề nghị Bộ Tài chính cân nhắc phương án quy định một số doanh nghiệp phát hành bắt buộc phải có xếp hạng trong năm 2023 và đến năm 2024 sẽ áp dụng đối với tất cả các doanh nghiệp có phát hành.
Theo VCCI, biện pháp này được kỳ vọng sẽ tạo một lượng khách hàng mồi cho thị trường dịch vụ xếp hạng tín nhiệm, bước đầu tạo thói quen và sự tin tưởng của nhà đầu tư vào các báo cáo xếp hạng tín nhiệm, trước khi áp dụng bắt buộc đại trà cho tất cả các doanh nghiệp phát hành.
Còn theo Luật sư Trương Thanh Đức – Giám đốc Công ty Luật ANVI, trọng tài viên Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC), việc lùi quy định buộc xếp hạng tín nhiệm đến đầu năm 2024 mới áp dụng sẽ ảnh hưởng niềm tin của thị trường, làm tăng rủi ro cho nhà đầu tư.
“Thay vì lùi thời gian áp dụng, cần có cơ chế khuyến khích doanh nghiệp thực hiện xếp hạng tín nhiệm trước khi phát hành trái phiếu. Việc xếp hạng tín nhiệm cần triển khai càng sớm càng tốt để hướng đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp minh bạch, lành mạnh và phát triển bền vững”, Luật sư Trương Thanh Đức đề xuất.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]