Nếu xe nhập khẩu không có số khung nhưng vẫn được đơn vị nhập khẩu, đại lý “phù phép” giấy tờ để bán cho khách hàng lưu thông thì cần phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để tránh rắc rối.
>> Xe không có số khung… nhiều nghi vấn ô tô “nhập lậu” tại City Auto
Đó là chia sẻ của các Luật sư với PV Diễn đàn Doanh nghiệp liên quan vụ việc nghi vấn ô tô “nhập lậu” tại City Auto, khi bán xe cho doanh nghiệp nhưng không có “số khung”, gây bức xúc dư luận trong suốt thời gian qua.
Như Diễn đàn Doanh nghiệp đã thông tin trước đó, mặc du xe ô tô nhập mới, không có “số khung”, thế nhưng bằng cách nào đó, Công ty Cổ phần City Auto (đại lý bán hàng), vẫn có thể đăng ký, đăng kiểm… rồi bán cho khách hàng, khiến khách hàng có nguy cơ vướng rắc rối pháp luật.
Đáng nói, sự việc này chỉ thực sự vỡ lẽ khi doanh nghiệp mang xe đi kiểm định và bị các Trung tâm đăng kiểm từ chối vì lý do: xe ô tô mang biển kiểm soát 93A- 19057 “không có số khung”.
Trước sự việc nêu trên, Công ty TNHH MTV SX-TM Nhật Trang (khách hàng), đã làm đơn phản ánh nhiều lần đến đại lý bán hàng (City Auto), cũng như hãng Ford Việt Nam (đơn vị nhập khẩu), nhưng cả 2 đơn vị này đều không giải quyết mà đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, khiến doanh nghiệp bức xúc.
Lỗi thuộc về đại lý, nhập khẩu…?
Liên quan tới sự việc nêu trên, Luật sư Nguyễn Hải Vân – Giám đốc Công ty Luật hợp danh, phân tích: Về nguyên tắc, quy trình nhập khẩu hàng hoá từ nước ngoài về Việt Nam được kiểm tra khá chặt chẽ và nghiêm ngặt, đặc biệt là đối với hàng hoá là ô tô, một loại hàng hoá được đánh thuế tiêu thụ đặc biệt.
Theo Luật sư Vân, nếu chiếu theo quy định đối với ô tô nhập khẩu, thì mặt hàng này được xếp vào nhóm 8703 và cụ thể sau: Ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người (trừ các loại thuộc nhóm 87.02), kể cả ô tô chở người có khoang hành lý chung (station wagons) và ô tô đua.
Về thủ tục nhập khẩu ô tô gồm những chứng từ: Invoice; Contract; Packing list; C/O; Giấy chứng nhận chất lượng an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường.
Ngoài ra, căn cứ Điều 1 Thông tư số 20/2011/TT-BCT ngày 12/5/2011 của Bộ Công Thương quy định bổ sung thủ tục nhập khẩu xe ô tô chở người loại từ 09 chỗ ngồi trở xuống, gồm:
“Thương nhân nhập khẩu ô tô từ 09 chỗ ngồi trở xuống khi làm thủ tục nhập khẩu, ngoài việc thực hiện các quy định hiện hành, phải nộp bổ sung những giấy tờ sau cho các cơ quan nhà nước có thẩm quyền, như: Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hoá lãnh sự theo quy định của pháp luật: 01 (một) bản sao có xác nhận và đóng dấu sao y bản chính của thương nhân.
Chưa kể, ô tô nhập khẩu phải kiểm tra chất lượng theo quy định tại Quyết định số 50/2006/QĐ-TTg ngày 07/3/2006 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành danh mục sản phẩm, hàng hóa phải kiểm tra về chất lượng; Quyết định số 31/2011/TT-BGTVT ngày 15/04/2011 của Bộ Giao thông vận tải quy định về kiểm tra chất lượng, an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường xe cơ giới nhập khẩu.
Ngoài ra, sau khi hoàn thành thủ tục nhập khẩu xe ô tô theo chế độ tài sản di chuyển, người nhập khẩu có trách nhiệm nộp lệ phí trước bạ tại cơ quan Thuế địa phương và đăng ký lưu hành xe ô tô để sử dụng tại cơ quan Công an theo quy định.
“Như vậy, về quy trình nhập khẩu ô tô về Việt Nam được quy định khá chặt chẽ, thế nhưng khi khách hàng đi đăng kiểm lại bị đơn vị đăng kiểm từ chối vì xe không có “số khung”, là rất đáng nghi ngờ. Do đó, lỗi xe không có “số khung” nhưng vẫn giao cho khách hàng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc về bên nhập khẩu và bên bán hàng” – Luật sư Vân nói.
Cũng theo Luật sư Vân, việc xe ô tô nhập khẩu nguyên chiếc có số máy nhưng không có số khung là trường hợp khá hy hữu. Lỗi tạm thời chưa thể xác định được do yếu tố chủ quan hay khách quan, nhưng để làm rõ bản chất vấn đề thì cần có sự vào cuộc một cách quyết liệt và trách nhiệm của đơn vị nhập khẩu, đơn vị bán hàng để thể hiện tính thiện chí, uy tín giữa bên bán với bên mua.
Mặt khác, đây là vấn đề có yếu tố liên quan tới pháp luật (lưu thông xe, gian lận thương mại…), cho nên cũng rất cần sự vào cuộc một cách quyết liệt của cơ quan chức năng như: Hải quan, Công Thương, GTVT, Đăng kiểm, Công an… để xác định “lỗi” từ quy trình làm thủ tục nhập xe hay khâu đăng ký, đăng kiểm xe.
“Vì vậy để bảo vệ quyền lợi của mình, tránh những rủi ro liên quan tới pháp luật, khách hàng có thể làm đơn tố cáo tới cơ quan chức năng về hành vi gian lận thương mại, gây hậu quả nghiêm trọng cho doanh nghiệp” – Luật sư Vân nhấn mạnh.
>> Quý 1: Ô tô nhập khẩu ùn ùn về Việt Nam, xe bán tải ồ ạt “né thuế”
Đề nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra
Đồng quan điểm, Luật sư Nguyễn Duy Nguyên – Giám đốc Công ty Luật Hoàng Giao, chia sẻ: Về khách quan, trong vụ việc này khách hàng hoàn toàn có quyền đặt nghi vấn về hành vi gian lận thương mại, cũng như nguồn gốc xuất xứ của chiếc xe bao gồm từ khâu sản xuất đến thủ tục nhập khẩu. Do đó, để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình, khách hàng có thể khởi kiện hoặc làm đơn tố cáo đến các cơ quan chức năng để các đơn vị vào cuộc, thậm chí phải chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra để làm rõ vấn đề. Mục đích mời cơ quan công an vào cuộc nhằm xác minh, điều tra làm rõ vì sao xe không có “số khung” mà vẫn đăng ký và đăng kiểm được?
“Một dẫn chứng về “gian lận” trong đăng kiểm mà khách hàng hoàn toàn có thể đặt nghi vấn là sau hàng loạt các Trung tâm đăng kiểm của Việt Nam, thậm chí Cục đăng kiểm Việt Nam đã bị phanh phui về hành vi gian lận trong đăng kiểm mà cơ quan công an đã khởi tố vừa qua. Vì sao xe không có số khung và vẫn có thể thông quan? Có hay không dấu hiệu gian lận thương mại (nhập lậu) trong vụ việc này?” – Luật sư Nguyên đặt nghi vấn.
Vì vậy, theo Luật sư Nguyên, vấn đề này cần phải được làm trình tự từ đầu đến cuối, thậm chí phải mang xe đi giám định để xác định “lỗi” từ đâu. Trong đó, trách nhiệm của các cơ quan chức năng, như: Hải quan, Công thương, GTVT, Đăng kiểm và đơn vị cấp đăng ký… phải được đặt lên hàng đầu. Bởi, việc này thể hiện tính chặt chẽ trong quản lý hành chính, thương mại đối với hàng hoá nhập khẩu vào Việt Nam của các cơ quan chức năng.
“Mặt khác, sự vào cuộc này còn thể hiện tính chủ động, tích cực trong đấu tranh phòng chống tiêu cực, lật tẩy chiêu trò gian lận thương mại của đơn vị nhập khẩu, bán hàng… (nếu có)” – Luật sư Nguyên nhấn mạnh.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]