Để giải quyết những bất cập, nuôi dưỡng nguồn thu, giảm gánh nặng cho người nộp thuế, chuyên gia cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải được sửa kỹ càng, toàn diện…
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần tính đến hài hòa… lợi ích
Theo đó, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung Luật Thuế thu nhập cá nhân. Nhiều ý kiến cho rằng, việc sửa đổi rất cần thiết bởi Luật có quá nhiều bất cập, nhất là mức giảm trừ gia cảnh, mức tính thuế,…
Thực tế, theo quy định hiện hành, người dân có thu nhập từ 11 triệu đồng/tháng trở lên phải đóng thuế và mức giảm trừ gia cảnh cho mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng. Cùng với sự phát triển của nền kinh tế, mỗi sinh viên ra trường sau khoảng 2 năm làm việc có thể đạt tới mức lương 11 triệu đồng và bắt đầu phải đóng thuế, trong khi, với mức 11 triệu đồng/tháng theo quy định cũng chỉ đủ đáp ứng mức sống cho sinh hoạt tối thiểu hàng ngày.
Thông tin với báo chí, ông Phạm Ngọc Hưng – Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu đổi mới và phát triển bền vững, Liên hiệp Hội Khoa học Kỹ thuật Việt Nam đánh giá, hiện nay, một công nhân hay sinh viên mới ra trường đi làm với thu nhập 11 triệu đồng đã phải đóng thuế. Trong khi đó, họ phải lo tiền thuê nhà, chưa kể ốm đau hay nhu cầu giải trí. Vì vậy, ngưỡng đánh thuế 11 triệu đồng là quá thấp, cần nâng lên mức tối thiểu 15 – 16 triệu đồng/tháng.
Đáng nói, biểu thuế lũy tiến từng phần hiện nay với người làm công ăn lương gồm 7 bậc với các mức thuế suất từ 5% đến 35%, sau khi giảm trừ gia cảnh thì tính thuế 5% cho 5 triệu đồng tăng thêm và 10% cho 5 triệu đồng kế tiếp; rồi 15% cho 8 triệu đồng tiếp theo; 20% cho 14 triệu đồng tiếp theo; 25% cho 20 triệu đồng tiếp theo; đến 30% cho 28 triệu đồng tiếp theo; cuối cùng là 35% đối với khoản thu nhập trên 80 triệu đồng/tháng cũng được cho là bất cập, khiến áp lực thuế vô tình dồn vào nhóm thu nhập phía dưới.
Theo TS. Nguyễn Đình Sơn – Viện Nghiên cứu Nhà nước và Pháp luật, hiệu quả của một sắc thuế là phải đảm bảo các tiêu chí về tính đơn giản, dễ thực thi; chi phí tuân thủ thấp; tính công bằng… Thế nhưng, bậc thuế tăng dần nhưng mức tiền không giống nhau khiến việc tính toán, thực thi rất khó khăn. Với quy định mức giảm trừ gia cảnh thấp như hiện nay, thì người làm công ăn lương có thu nhập thấp nếu có thêm các khoản tiền thưởng, tiền hoa hồng bị tạm thu thuế 10% thì cuối năm buộc phải quyết toán thuế mới được hoàn thuế chỉ vài triệu đồng, rõ ràng vừa tốn công sức xã hội, vừa tốn chi phí bộ máy Nhà nước khi thực thi chính sách thuế.
>> Sửa Luật Thuế thu nhập cá nhân: Cần lưu ý đến lợi ích của người có thu nhập thấp
Để hài hòa những bất cập đã nêu, cơ quan Dự thảo chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh năm 2023 đã đề xuất một số sửa đổi. Trong đó, điểm sửa đổi đáng chú ý được đơn vị này đề cập là phương án nghiên cứu cắt giảm số bậc thuế từ 7 xuống 5. Bên cạnh đó, cơ quan thuế có thể xem xét nới rộng khoảng cách thu nhập trong các bậc thuế, đảm bảo điều tiết ở mức cao hơn với những người có thu nhập cao.
Cách làm này, theo nhiều chuyên gia, sẽ có lợi cho phần đông người có thu nhập trung bình, khá và giúp phân phối lại thu nhập, lấy của người giàu chia cho người nghèo, đồng thời cho rằng, việc giảm bớt bậc thuế giống như “một mũi tên trúng nhiều đích” khi vừa giúp kỹ thuật tính toán đơn giản hơn với cơ quan thuế, vừa giảm bớt gánh nặng thuế với người thu nhập ở top dưới và hoàn toàn phù hợp với thông lệ quốc tế.
Bên cạnh việc hạ bậc thuế, một trong những nội dung khác được dư luận đặc biệt quan tâm là việc điều chỉnh giảm trừ gia cảnh. Mặc dù được đánh giá là bất cập, tuy nhiên, hiện Dự thảo xây dựng luật, pháp lệnh 2024 chưa đề cập đến hướng điều chỉnh chỉ tiêu này.
Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, không nên chỉ tập trung vào giảm trừ gia cảnh mà cần điều chỉnh khoảng cách giữa các bậc thuế suất nếu muốn điều tiết thu nhập, bởi người dân thực tế vẫn được chi tiêu trên phần giảm gia cảnh cộng với phần thu nhập còn lại sau khi trừ thuế.
Thông tin với báo chí, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam – Nguyễn Thị Cúc cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân phải được sửa toàn diện. Nếu chỉ nâng mức giảm trừ gia cảnh mà các bậc thuế, thuế suất vẫn giữ như hiện hành thì chúng ta chỉ mới điều chỉnh rất ít cho những người chưa đến ngưỡng nộp thuế. Trong khi những người đang nộp thuế hiện nay thì không được điều chỉnh đáng kể. Hay nếu chúng ta chỉ giảm từ 7 bậc xuống còn 5 bậc nhưng thuế suất cao nhất vẫn để mức 35% thì tỷ lệ điều tiết vẫn cao hơn hiện nay.
Theo bà Cúc, mức thuế suất cao nhất chỉ nên ở 25 – 27% hoặc cùng lắm 28 – 30% là hợp lý. Nhưng điều quan trọng hơn, là phải giãn khoảng cách giữa các bậc thuế, hiệu quả điều tiết sẽ thấy rõ.
“Ngay cả khi giữ mức thuế suất cao nhất tới 35%, song phạm vi áp dụng là người có thu nhập tới 300 triệu đồng/tháng trở lên thì không tác động gì nhiều vì rất ít người đạt ngưỡng thu nhập này. Tương tự, một người có thu nhập 40 triệu đồng, theo quy định hiện hành, phải nộp thuế thu nhập cá nhân là 1,65 triệu đồng. Tuy nhiên, nếu chúng ta giãn bậc thuế theo hướng, người có thu nhập từ 5 – 20 triệu đồng vẫn chịu thuế suất 5% (hiện nay thu nhập từ 5 triệu đồng trở lên chịu thuế 5%; từ 5 – 10 triệu đồng chịu thuế 10%; từ 10 – 18 triệu đồng chịu thuế 15%…), thì người có thu nhập 40 triệu đồng chỉ phải nộp 900 nghìn đồng, giảm gần 50% số thuế phải đóng so với hiện nay”, bà Cúc lấy ví dụ.
Để đảm bảo chính sách thuế được công bằng, vừa có ý nghĩa điều tiết, vừa khuyến khích những người làm giàu chân chính, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng, Luật Thuế thu nhập cá nhân cần phải được sửa kỹ càng, toàn diện.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]