>> “Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần kết hợp các giải pháp ngắn và dài hạn

Thống kê từ Hiệp hội Thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) cho thấy, trong năm 2022 đã có 420 đợt phát hành trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ, với trị giá xấp xỉ 244.565 tỷ đồng, chiếm 96% tổng giá trị phát hành, giảm 66% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, nhóm ngân hàng dẫn đầu về giá trị phát hành với tổng giá trị 136.772 tỷ đồng, chiếm 53,6% tổng giá trị phát hành. Kỳ hạn phát hành bình quân của nhóm này là 5,47 năm, lãi suất phát hành trung bình là 5,48%/năm. Tiếp đến là nhóm bất động sản với 51.979 tỷ đồng, chiếm khoảng 20,4%. So với năm 2021 (hơn 214.000 tỷ đồng), lượng trái phiếu do nhóm doanh nghiệp địa ốc phát hành sụt giảm gần 76%.

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được cho ngày một gia tăng - Ảnh minh họa: ITN

Áp lực đáo hạn trái phiếu doanh nghiệp trong thời gian tới được cho ngày một gia tăng – Ảnh minh họa: ITN

Đáng nói, dù năm 2022, các doanh nghiệp đã mua lại 210.830 tỷ đồng (tăng 46% so với năm 2021), thế nhưng, năm 2023, sẽ có khoảng 289.819 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn. Chỉ tính riêng tháng đầu năm, có khoảng 17.500 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn; trong đó 10.500 tỷ đồng trái phiếu bất động sản, chiếm 60% giá trị trái phiếu doanh nghiệp và 5.900 tỷ đồng trái phiếu xây dựng, chiếm 34%.

Từ thực tế đã nêu, Tổ chức xếp hạng tín nhiệm FiinRatings đánh giá, áp lực đáo hạn trái phiếu của các doanh nghiệp bất động sản vẫn duy trì ở mức đáng kể trong năm 2023 với hơn 119.000 tỷ đồng và năm 2024 gần 112.000 tỷ đồng. Tổ chức này kỳ vọng các biện pháp tái cấu trúc nợ sẽ được thực hiện sớm, nhất là các trái phiếu được phân phối thứ cấp đến nhà đầu tư cá nhân.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, trong năm 2023, các doanh nghiệp bất động sản sẽ gặp nhiều áp lực đáo hạn trái phiếu, thậm chí tiềm ẩn nguy cơ vỡ nợ trái phiếu dây chuyền nếu không có giải pháp phù hợp, kịp thời.

>> “Khơi dòng” trái phiếu doanh nghiệp: Cần bổ sung quy định ưu tiên thanh toán

Chuyên gia cho rằng, cần có chương trình hoãn nợ quy mô quốc gia trong vòng 1-2 năm để tránh sự đổ vỡ dây chuyền của các doanh nghiệp - Ảnh minh họa: ITN

Chuyên gia cho rằng, cần có chương trình hoãn nợ quy mô quốc gia trong vòng 1-2 năm để tránh sự đổ vỡ dây chuyền của các doanh nghiệp – Ảnh minh họa: ITN

Thông tin với báo chí, ông Nguyễn Văn Thân – Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam cho rằng, những điểm nghẽn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp cần được giải quyết càng sớm càng tốt.

Theo ông Thân, có thể chia các doanh nghiệp có vấn đề về trái phiếu làm 3 loại: Doanh nghiệp có những vấn đề quá lớn, không thể “cứu” được nữa thì đành chịu; Doanh nghiệp đang làm ăn đàng hoàng thì cần tạo điều kiện về thể chế để họ có thể huy động trái phiếu một cách bình thường; Và đông nhất là các doanh nghiệp dạng “nhờ nhờ”, đang khó khăn vì đến kỳ đáo hạn mà không trả được.

“Với doanh nghiệp thứ ba thì Nhà nước và doanh nghiệp cần ngồi lại với nhau để nói hết những vấn đề nội tại của doanh nghiệp xem có hướng nào tháo gỡ không và tháo gỡ như thế nào?”, ông Thân khuyến nghị.

Để giải quyết vấn đề của thị trường trái phiếu doanh nghiệp hiện nay, TS. Nguyễn Trí Hiếu – chuyên gia tài chính – ngân hàng cho rằng, Chính phủ nên có chương trình “hoãn nợ”. Đây là một chương trình hoãn nợ quốc gia dành cho các doanh nghiệp làm ăn bài bản đúng với quy định của pháp luật được hoãn nợ trong vòng 1-2 năm. Bên cạnh đó, trong thời gian hoãn nợ, các nhà đầu tư, các trái chủ không được đưa họ ra tòa để khởi kiện, để tòa án áp dụng Luật Phá sản.

“Chính phủ cần phải có những biện pháp mạnh như vậy để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp”, TS. Hiếu đề xuất.

Theo TS. Hiếu, thực tế Nghị định 65/2022 cũng có điều khoản cho phép các doanh nghiệp có thể hoãn nợ trong vòng 2 năm nếu đạt được sự thỏa thuận với các trái chủ, nhà đầu tư. Tuy nhiên, thỏa thuận như vậy vẫn còn rất nhiều bất định bởi vẫn có trường hợp các nhà đầu tư không chịu cho hoãn nợ. Chính vì vậy, Chính phủ cần phải có giải pháp mang tính quốc gia, đưa ra chương trình hoãn nợ quốc gia cho doanh nghiệp làm ăn bài bản trong vòng 1-2 năm. Đáng chú ý, cần làm ngay việc bắt buộc xếp hạng tín nhiệm doanh nghiệp, chứ không nên để đến năm 2024 (như Dự thảo Nghị định 65/2022 sửa đổi đang đề xuất).

Cùng với những giải pháp đã nêu, để gỡ khó cho doanh nghiệp trước áp lực đáo hạn trái phiếu, một số ý kiến cũng cho rằng, trước mắt, các doanh nghiệp nên xem xét lại tài sản, nguồn vốn của mình còn những gì. Đồng thời, thỏa thuận với trái chủ để đưa ra giải pháp phù hợp. Nếu còn nguồn lực thì doanh nghiệp cần tìm cách như bán tài sản, thanh lý hàng tồn kho… để có tiền đáo hạn trái phiếu.

Ngoài ra, doanh nghiệp có thể thỏa thuận với trái chủ như gia hạn với lãi suất mới, chuyển đổi từ trái phiếu sang cổ phiếu hoặc các sản phẩm, tài sản khác, chuyển đổi thành hợp đồng hợp tác đầu tư… Nếu trong trường hợp nhà đầu tư không chấp thuận thì các doanh nghiệp phải thanh toán theo quy định của pháp luật.

Trước đó, tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 5, các chuyên gia cũng cho biết, trong giai đoạn 2023-2025 sẽ có khoảng 700.000 tỷ đồng trái phiếu doanh nghiệp (chưa tính tiền lãi) đến thời kỳ đáo hạn. Tuy nhiên, hiện nay, nguồn tiền của các doanh nghiệp đang gặp khó khăn do thanh khoản của các dự án bất động sản “án binh bất động”. Đồng thời cảnh báo, nếu không có chính sách hỗ trợ, nguy cơ vỡ nợ đối với các nhà phát hành trái phiếu sẽ sớm trở thành hiệu ứng dây chuyền.

[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script]