Bộ LĐ-TB&XH vừa trình Chính phủ đề nghị sửa đổi Luật Việc làm, với trọng tâm sửa đổi các quy định, chế độ liên quan tới Bảo hiểm thất nghiệp…
Cụ thể, theo đánh giá của Thứ trưởng LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, Luật Việc làm năm 2013 còn tồn tại những hạn chế, vướng mắc liên quan tới Bảo hiểm thất nghiệp (BHTN). Cụ thể, đối tượng tham gia BHTN chưa bao phủ hết các nhóm có hợp đồng, hưởng lương; các chế độ còn nặng về giải quyết trợ cấp thất nghiệp, chưa chú trọng đến các chế độ mang tính chủ động, phòng ngừa, hạn chế thất nghiệp; điều kiện hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng nghề quá chặt…
Bên cạnh đó, thực tế còn xảy ra tình trạng chi sai các chế độ BHTN buộc phải thu hồi. Thế nhưng việc thu hồi gặp nhiều khó khăn.
Lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH cho rằng, nguyên nhân chi sai BHTN, chủ yếu là người lao động khi đã có việc làm mới vẫn khai để hưởng trợ cấp thất nghiệp (chiếm hơn 87% tổng số trường hợp chi sai); doanh nghiệp chậm, trốn đóng BHTN, chậm thông báo lao động mới ký hợp đồng, dẫn đến phải thu bổ sung. Việc thu hồi tiền hưởng BHTN sai chưa hiệu quả, gặp rất nhiều khó khăn.
Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định vào Luật Việc làm về nhóm người tham gia BHTN cụ thể là nhóm người này bao gồm cả lao động có hợp đồng từ 1 tháng trở lên, người quản lý doanh nghiệp, điều hành hợp tác xã hưởng lương; Bổ sung chế độ hỗ trợ chủ sử dụng lao động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ kỹ năng nghề để duy trì việc làm cho người lao động …
Bộ LĐ-TB&XH tính toán, giai đoạn 2015-2021, mỗi năm có 750.000 người nhận trợ cấp thất nghiệp, tổng số tiền chi khoảng 9.600 tỷ đồng/năm. Khi sửa Luật Việc làm, với các chính sách chủ động ứng phó để giảm thất nghiệp, số lao động nhận trợ cấp thất nghiệp giảm khoảng 1%/năm so với hiện nay (tương ứng giảm khoảng 150.000 người/năm), qua đó giúp giảm chi quỹ BHTN trên 1.900 tỷ đồng/năm.
>>Đồng bộ giải pháp để “giải” bài toán… rút bảo hiểm xã hội một lần
Việc sửa đổi điều kiện để doanh nghiệp dễ tiếp cận hơn với chế độ hỗ trợ đào tạo lại lao động duy trì việc làm, quỹ BHTN có thể tăng chi khoảng 2.000 tỷ đồng/năm (hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng, khoảng 4 tháng/khoá học).
Với chế độ hỗ trợ thêm sinh hoạt phí cho người thất nghiệp học nghề, nếu hỗ trợ 100.000 người/năm (gấp 3,3 lần bình quân giai đoạn 2015-2021), quỹ BHTN tăng chi thêm hơn 1.800 tỷ đồng/năm (gồm tiền học phí 1,5 triệu đồng/người/tháng, tối đa 6 tháng, tiền ăn, ở và sinh hoạt phí 1,5 triệu đồng/người/tháng, tiền đi lại 300 nghìn đồng/người/khóa học)…
Bên cạnh đó, từ kinh nghiệm sử dụng quỹ BHTN để hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Bộ LĐ-TB&XH đề xuất sửa quy định để chủ động ứng phó về sau. Cụ thể, năm 2021-2022, quỹ BHTN đã hỗ trợ người sử dụng lao động hơn 9.200 tỷ đồng từ chính sách giảm mức đóng, chi hỗ trợ hơn 13,2 triệu người lao động tổng số tiền trên 31.800 tỷ đồng. Tuy nhiên, Luật Việc làm hiện hành chưa có quy định để Chính phủ chủ động sử dụng quỹ BHTN ứng phó các “cú sốc” như thiên tai, dịch bệnh, khủng hoảng kinh tế. Bộ LĐ-TB&XH đề xuất bổ sung quy định giao Chính phủ xây dựng và thực hiện các chính sách hỗ trợ từ quỹ BHTN trước các “cú sốc”.
Thứ trưởng Lê Văn Thanh cho biết, việc sửa đổi, bổ sung chính sách BHTN vẫn đảm bảo an toàn quỹ BHTN. Đồng thời, quỹ BHTN vẫn có nguồn lực nhất định (khoảng 4.000 – 5.000 tỷ đồng) để sử dụng hỗ trợ lao động, người sử dụng lao động khi có các “cú sốc”. Được biết, đơn vị soạn thảo dự kiến trình dự thảo sửa đổi luật này lên Quốc hội vào tháng 10/2024.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]