>>Nghị quyết 01/NQ-CP: Cải cách hành chính khung khổ pháp lý về thương mại điện tử

Đó là một trong những yêu cầu được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo tại cuộc họp Ban Chỉ đạo cải cách hành chính, vừa qua.

Chia sẻ với DĐDN, TS. Nguyễn Quốc Việt, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và chính sách (VEPR), Đại học Quốc gia Hà Nội cho rằng, đây cũng là một đòi hỏi của việc xây dựng một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

– Một trong những yêu cầu của cải cách hành chính là đẩy mạnh hợp tác công tư và chuyển giao việc cung cấp dịch vụ công cho khu vực tư nhân, thưa ông?

Để phát huy tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm của xã hội và việc xây dựng một nền kinh tế thị trường một cách đầy đủ, việc Nhà nước chuyển giao cho tư nhân các dịch vụ công là xu hướng chung của thế giới. Chỉ những lĩnh vực không hiệu quả kinh tế, tư nhân không tự “đảm đương” thì Nhà nước mới dùng các công cụ và nguồn lực chung để can thiệp và giải quyết.

Xu thế hợp tác công-tư như bưu chính, điện, hệ thống dịch vụ hạ tầng vận tải… đã được nhiều quốc gia phát triển tự do hoá thị trường. Đây là những lĩnh vực trước kia của nhà nước dần được chuyển giao sang khu vực tư nhân. Thậm chí, trong đó có các lĩnh vực quan trọng như y tế, giáo dục, văn hoá.

Cùng với sự phát triển của khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khu vực tư nhân đã làm rất tốt nhiều lĩnh vực mà trước đây do nhà nước cung ứng dưới vai trò dịch vụ công ích hoặc dịch vụ của nhà nước.

Đặc biệt, với nhiều quốc gia đã thực hiện hợp tác công tư rất tốt nhiều lĩnh vực. Đơn cử như Hàn Quốc, Trung Quốc… đã coi văn hoá giải trí là kinh tế mũi nhọn trụ cột kết hợp cùng một số ngành mũi nhọn khác như du lịch, giải trí, công nghệ số…

Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến hiện nay đều do Nhà nước cung cấp và quản lý. (Giải quyết thủ tục hành chính công tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng)

Phần lớn các dịch vụ công trực tuyến hiện nay đều do Nhà nước cung cấp và quản lý. (Giải quyết thủ tục hành chính công tại quận Bắc Từ Liêm. Ảnh: Công Hùng)

– Thực tế quá trình chuyển giao dịch vụ công cho tư nhân và hợp tác công tư cung cấp các dịch vụ công đã được triển khai ở Việt Nam từ nhiều năm qua, thưa ông?

Đúng vậy! Trong những năm đổi mới, một số lĩnh vực chúng ta đã thực hiện chủ trương cổ phần hoá, xã hội hoá và đã có một số lĩnh vực rất thành công. Đơn cử, bưu chính viễn thông chúng ta đã rất thành công khi xây dựng được một thị trường bưu chính viễn thông tương đối lành mạnh, trong đó có kết hợp giữa những yếu tố Nhà nước và tư nhân cùng phát triển. Viễn thông của Việt Nam có tính chất thị trường cạnh tranh mạnh mẽ, từ đó, kéo giá thành giảm xuống và tạo điều kiện kinh doanh hiệu quả.

Một số lĩnh vực từng có giai đoạn chủ trương xã hội hoá đã mang lại hiệu quả nhất định, làm tăng nguồn lực, sự huy động và đóng góp của xã hội như lĩnh vực y tế. Hệ thống y tế tư nhân đã hỗ trợ được cho những hoạt động dịch vụ liên quan đến y tế, từ y tế cộng đồng đến khám chữa bệnh sức khoẻ rất tốt.

>>Dịch vụ công trực tuyến phải lấy người dân làm trọng tâm

Hay xã hội hoá trong lĩnh vực giáo dục, chúng ta thấy hệ thống các trường mẫu giáo, mầm non cho đến đại học, trong đó đã có những trường đại học lọt vào top 500 trường đại học tư tốt nhất thế giới.

Ngoài ra, trong lĩnh vực dịch vụ công đã có rất nhiều lĩnh vực được chuyển sang bán công, tức là tự chủ thu hoặc có một phần tự chủ thu của nhà nước, như đất đai, môi trường, công chứng… Tất cả các lĩnh vực này chúng ta thấy đã tốt hơn rất nhiều so với nhiều năm trước đây. Chưa kể, hình thức hợp tác công-tư (PPP) thể hiện trong đầu tư phát triển hạ tầng, các dự án phát triển kinh tế-xã hội cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế rất cao.

– Trong quá trình chuyển dịch vụ hành chính công cho tư nhân, nhiều lĩnh vực đã phát sinh tiêu cực, mâu thuẫn quyền lợi các bên, thưa ông?

Cũng không thể phủ nhận trong quá trình chuyển giao có sự trục lợi. Đó là chủ nghĩa thân hữu hay nhóm lợi ích, thậm chí có những hành vi vi phạm pháp luật phải xử lý hình sự, như cố ý làm trái, tham ô, tham nhũng.

Đặc biệt, cũng không thể tránh khỏi tâm lý “trì hoãn” hay “tiếc nuối” muốn níu giữ độc quyền xin-cho liên quan đến ngân sách Nhà nước từ phía các cơ quan quản lý Nhà nước.

Tuy nhiên, chuyển giao dịch vụ công là một xu thế không thể đảo ngược. Do đó, chúng ta không thể chỉ vì một vài trường hợp tiêu cực mà “chùn bước” mà phải đẩy mạnh chuyển giao bằng hoàn thiện thể chế và tăng cường cơ chế kiểm tra, giám sát.

– Phân định rõ đâu là công, đâu là tư luôn là một rào cản trong chuyển giao dịch vụ công, thưa ông?

Phân định ranh rới công tư điều quan trọng đầu tiên là quyền về tài sản. Tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khoá XV vừa diễn ra đã bàn về Luật Giá, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai… tất cả những nền tảng cơ bản đó có liên quan đến tài sản.
Mục đích nhằm phân biệt tài sản công, công hữu một cách rõ ràng. Còn cái gì thuộc tài sản tư, Hiến pháp đã quy định rất rõ về quyền tư hữu là thiêng liêng, bất khả xâm phạm.

Tiếp đến, hành lang pháp lý phải “mạch lạc” để các chủ thể không thể trục lợi, nhưng vẫn yên tâm khi được nhà nước bảo vệ quyền lợi cho các nhà đầu tư. Khi để thị trường thực hiện các chức năng của mình, điều kiện tiên quyết là sự can thiệp hay hỗ trợ của Nhà nước phải dựa trên nguyên tắc cơ chế thị trường, đảm bảo cạnh tranh công bằng lành mạnh giữa các thành phần. Không có chủ thể nào được ưu tiên, được vượt trội về thể chế chính sách cũng như ưu đãi hỗ trợ riêng.

Bên cạnh đó, chúng ta phải nâng cao nhận thức cùng sự quyết tâm của lãnh đạo cũng như các cấp, các ngành để hoá giải tâm lý muốn “ôm việc”, lấn sân hoặc muốn giữ hoạt động đó cho cơ quan Nhà nước để có thẩm quyền xin-cho.

– Trân trọng cảm ơn ông!

[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]

Đánh giá của bạn:

[wpcc-script]