Không chỉ đề nghị lựa chọn phương án điều hành giá xăng dầu theo nguyên tắc thị trường, VCCI cũng cho rằng, nên cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn…
>> Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đề xuất mức chiết khấu tối thiểu
Theo đó, cũng tại văn bản góp ý về việc xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP về kinh doanh xăng dầu, theo chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ – Lê Minh Khái tại Công văn số 488/VPCP-KTTH ngày 30/01/2023. Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, cơ quan soạn thảo nên cân nhắc việc cho phép các đại lý bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn.
Cụ thể, trong Dự thảo, Bộ Công Thương đưa ra hai phương án, không cho phép (phương án 1) và cho phép (phương án 2) các cửa hàng bán lẻ xăng dầu được lấy hàng từ nhiều nguồn. Về vấn đề này, VCCI đề nghị lựa chọn phương án 2, cho phép cửa hàng bán lẻ được lấy xăng từ nhiều nguồn.
Theo VCCI, mặc dù cũng thống nhất lựa chọn phương án 2, nhưng trong Tờ trình, Bộ Công Thương vẫn thể hiện sự lo ngại nếu quy định như vậy sẽ trái Luật Thương mại, khó kiểm soát chất lượng xăng dầu và không có đơn vị chịu trách nhiệm cung cấp xăng cho cửa hàng bán lẻ khi nguồn cung khan hiếm. Các lo ngại này không thực sự thoả đáng, bởi:
Thứ nhất, quy định này trái Luật Thương mại là do Nghị định 95/2021/NĐ-CP và Nghị định 83/2014/NĐ-CP đã ấn định rằng cửa hàng bán lẻ chỉ có thể bán theo hình thức giao nhận đại lý. Trong khi đó, việc bán lẻ các mặt hàng có thể được thực hiện theo nhiều hình thức khác nhau theo thoả thuận của các bên, trong đó có hình thức đại lý, hình thức nhượng quyền và hình thức mua đứt bán đoạn. Việc hai Nghị định này không cho phép các cửa hàng bán lẻ kinh doanh theo hình thức mua đứt bán đoạn là trái với quyền tự do kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp và Luật Thương mại.
Thứ hai, chất lượng xăng dầu vẫn có thể kiểm soát tốt mà không cần giới hạn quan hệ phân phối 1:1. Hiện nay, mỗi khi giao xăng dầu từ xe bồn cho các cửa hàng bán lẻ, các bên luôn tiến hành lấy và lưu mẫu hàng hoá. Nếu chất lượng xăng dầu bán cho người tiêu dùng có vấn đề thì luôn có thể kiểm tra lại các mẫu xăng trên, truy nguồn để xác định trách nhiệm của các bên. Hơn nữa nhiều nhà phân phối xăng dầu đang nhập hàng từ nhiều đầu mối nên việc yêu cầu cửa hàng bán lẻ chỉ được nhập từ một nguồn không có nhiều ý nghĩa.
Thứ ba, lo ngại cho phép cơ sở bán lẻ nhập hàng của nhiều nguồn sẽ dẫn đến không có đơn vị phân phối chịu trách nhiệm cung cấp xăng dầu là không có căn cứ. Hiện nay, các đơn vị bán buôn khi thiếu nguồn hoặc muốn găm hàng vẫn dừng cung cấp hàng cho đơn vị bán lẻ (bằng cách nâng giá bán buôn lên hay cắt chiết khấu xuống) mà pháp luật không có cách nào hạn chế tình trạng này. Thêm vào đó, khi cho phép nhập hàng của nhiều nhà cung cấp thì bên bán lẻ chủ động hơn và rủi ro đứt gãy nguồn cung giảm đi.
Cùng với đó, VCCI cũng cho rằng cần cân nhắc điều chỉnh như: Cho phép cửa hàng bán lẻ được lựa chọn hình thức kinh doanh, có thể làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền cho một thương nhân phân phối, hoặc làm có thể lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn; Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ làm đại lý hoặc nhận nhượng quyền thì chỉ được nhập hàng của một thương nhân phân phối. Thương nhân phân phối sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả hàng hoá theo quy định pháp luật;
Trong trường hợp cửa hàng bán lẻ lựa chọn hình thức mua đứt bán đoạn thì cho phép nhập hàng của nhiều đơn vị bán buôn. Lúc này, cửa hàng bán lẻ sẽ chịu trách nhiệm về chất lượng và giá cả của hàng hoá theo quy định của pháp luật; Sửa đổi quy định mẫu Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh bán lẻ xăng dầu theo hướng bỏ nội dung ghi tên đơn vị bán buôn cho cửa hàng bán lẻ.
>> Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu gửi đơn “cầu cứu” Thủ tướng
Bên cạnh đó, góp ý về quyền và nghĩa vụ của thương nhân phân phối và tổng đại lý, VCCI cho biết, Bộ Công Thương dự định sẽ bổ sung quy định thương nhân phân phối chỉ được phép nhập hàng của 03 thương nhân đầu mối và không được lấy hàng từ thương nhân phân phối khác. Quy định này được thuyết minh nhằm gắn trách nhiệm của thương nhân đầu mối cung cấp hàng cho các thương nhân phân phối khi nguồn cung xăng dầu khó khăn.
Tuy nhiên, VCCI cho rằng, lo ngại này không thực sự cần thiết. Bởi, nếu bối cảnh nguồn cung xăng dầu gặp khó khăn thì việc các thương nhân đầu mối ưu tiên bán hàng trong hệ thống của mình hay bán cho các thương nhân phân phối khác cũng không làm thay đổi tổng thể nguồn cung trên thị trường. Để xử lý vấn đề các bên găm hàng thì cần tăng tính linh hoạt của thị trường nhằm tạo thuận lợi cho các thương nhân chuyển hàng từ nơi thừa đến nơi thiếu, chứ không nên hạn chế, cản trở chuỗi phân phối. Quan trọng hơn là chính sách cần xử lý vấn đề giá cả để các bên có động lực kinh doanh. Còn nếu nguồn cung thế giới đã thiếu hoặc giá bị định quá thấp thì thương nhân đầu mối bán hàng cho ai cũng không có nhiều khác biệt.
Về quyền và nghĩa vụ của thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, theo VCCI, Bộ Công Thương đưa ra phương án Nhà nước sẽ hỗ trợ tài chính đối với các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu khi các doanh nghiệp này thua lỗ, nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho nền kinh tế. Việc hỗ trợ tài chính này về bản chất là việc Nhà nước dùng tiền ngân sách để khiến chi phí kinh doanh của doanh nghiệp giảm xuống trong khi Nhà nước vẫn duy trì giá bán xăng dầu ở mức thấp và thu các loại thuế đối với xăng dầu.
“Điều này dường như không cần thiết khi mà có một giải pháp khác tốt hơn rất nhiều là Nhà nước tăng giá bán lẻ xăng dầu sao cho phản ánh đúng chi phí của doanh nghiệp hoặc cho doanh nghiệp tự quyền quyết định giá. Khi đó, doanh nghiệp sẽ có động lực để kinh doanh mà không cần bất kỳ một sự hỗ trợ nào”, VCCI góp ý.
Ngoài ra, về Quỹ bình ổn giá xăng dầu, theo thuyết minh của Bộ Công Thương, mục tiêu của Quỹ bình ổn là nhằm khiến giá xăng dầu không tăng và giảm quá mạnh, từ đó giúp tránh lạm phát kỳ vọng, lạm phát tâm lý. Theo đó, nếu không có Quỹ thì khi giá xăng tăng sẽ khiến giá cả hàng hoá khác tăng theo, nhưng khi giá xăng giảm thì giá cả hàng hoá khác không giảm theo (nguyên tắc sticky price). Cơ quan Nhà nước kỳ vọng rằng Quỹ bình ổn sẽ giúp làm giảm biên độ biến động giá xăng dầu trong nước.
Theo VCCI, đây là mong muốn hợp lý. Tuy nhiên, theo một nghiên cứu của TS. Phạm Thế Anh thì việc điều hành Quỹ thời gian qua đã không đạt được mục tiêu này – sự biến động giá của xăng dầu sau khi sử dụng Quỹ không có sự khác biệt lớn khi so sánh với trường hợp không sử dụng Quỹ.
Đồng thời, lý giải cho sự khác biệt giữa kỳ vọng của nhà làm chính sách và thực tiễn này, TS. Phạm Thế Anh cho rằng nguyên nhân là do nhà điều hành không thể tiên đoán được giá xăng dầu trong tương lai. Nếu muốn giảm được biên độ biến động giá, nhà điều hành cần dự đoán được giá xăng dầu thế giới. Ví dụ, nếu tại kỳ điều hành thứ nhất, giá thế giới tăng so với trước đó, nhà điều hành xả Quỹ để giá trong nước không tăng mạnh so với trước đó. Nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới giảm so với kỳ trước đó, thì quyết định xả Quỹ này có tác dụng giảm biến động giá. Tuy nhiên, nếu tại kỳ điều hành thứ hai, giá thế giới lại tiếp tục tăng thì quyết định xả Quỹ tại kỳ điều hành thứ nhất lại khiến giá biến động mạnh hơn tại kỳ thứ hai. Nhà điều hành luôn rơi vào tình trạng không thể dự đoán được giá thế giới sẽ diễn biến thế nào vào kỳ sau để có quyết định trích hay xả Quỹ đúng đắn.
Như vậy, cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy Quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước. Do đó, VCCI đề nghị bỏ Quỹ bình ổn giá xăng dầu.
Góp ý về dự trữ lưu thông, VCCI đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc lựa chọn phương án 2, theo đó, cần có phương án hỗ trợ từ phía Nhà nước đối với các chi phí phát sinh để thực hiện nghĩa vụ dự trữ lưu thông bắt buộc. Bởi, trong điều kiện thị trường bình thường, các doanh nghiệp cũng chỉ dự trữ lưu thông vừa đủ, chứ không có động lực dự trữ quá nhiều như yêu cầu an ninh năng lượng của Nhà nước, kể cả khi giá bán được điều hành cao hoặc doanh nghiệp được quyền tự quyết định giá thì.
Do đó, để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia luôn được bảo đảm, VCCI đề nghị cần xử lý theo phương án như: Trong trường hợp Nhà nước vẫn điều hành giá thì cần tính chi phí dự trữ lưu thông vào giá bán lẻ để bảo đảm nguyên tắc tính đúng tính đủ chi phí; Trong trường hợp giá được vận hành theo cung cầu thị trường thì Nhà nước cần chi trả chi phí dự trữ xăng dầu này, có thể theo hình thức đặt hàng giao nhiệm vụ hoặc đấu thầu từ nguồn ngân sách.
Cũng tại văn bản góp ý, bên cạnh những nội dung đã nêu, về các vấn đề cạnh tranh và cấu trúc thị trường. Theo VCCI, việc Nhà nước không điều hành giá mà để cung cầu của thị trường quyết định thì luôn phải đi kèm với tăng cường tính cạnh tranh của thị trường. Chỉ có áp lực cạnh tranh mới khiến nhà cung cấp không thể tăng giá một cách bất hợp lý.
Đồng thời, cần thiết kế lại thị trường xăng dầu theo hướng giảm các tầng nấc trung gian. Có thể cân nhắc phương án quản lý theo các công đoạn của kinh doanh xăng dầu gồm: (1) sản xuất; (2) nhập khẩu; (3) bán buôn; (4) bán lẻ; (5) các dịch vụ hỗ trợ.
[wpcc-script language=”javascript” src=”https://diendandoanhnghiep.vn/js/raty/jquery.raty.js”]
[wpcc-script]